(Tổ Quốc)- Hậu cuộc chiến chống IS, Syria và Iraq đang tăng cường quan hệ trong bối cảnh các "ông lớn" vẫn đang có nhiều ảnh hưởng tại khu vực.
Một nhà ngoại giao hàng đầu của Syria hôm thứ Hai – ngày 15/10 cho biết, việc Moscow cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại hóa của Nga cho Damascus sẽ không chỉ đảm bảo an ninh cho đất nước này mà còn cả khu vực.
Vị thế S-300 tới Syria
"Không chỉ Syria sẽ cảm thấy an toàn hơn khi được cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300....Việc triển khai loại vũ khí phòng thủ này sẽ giúp tình hình ổn định hơn và mang lại sự an toàn trên khắp Trung Đông."
Phát biểu sau khi đối thoại với Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem hoan nghênh thắng lợi của hai bên trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS), nói rằng, sự thất bại của IS "có lợi cho tất cả các nước trong khu vực và thế giới".
Tuy nhiên, tình hình Syria hiện tại vẫn đang hết sức bất ổn. Quân đội Syria đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy kéo dài 7 năm qua và các cuộc tấn công liên tục từ Israel nhắm vào các vị trí được cho là có sự hiện diện của Iran tại nước này.
Trong khi Nga tìm cách cân bằng mối quan hệ với đồng minh Syria và Israel, vụ hệ thống phòng không Syria tình cờ bắn rơi một chiếc máy bay phản lực Il-20 của Nga khi đang tìm cách đối phó một cuộc không kích của Israel đã khiến Moscow thấy rằng cần tăng cường phòng thủ của Syria bằng cách cung cấp cho Damascus hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
"Không chỉ Syria sẽ cảm thấy an toàn hơn khi được cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300," ông Muallem nói với các phóng viên tại Damascus, theo hãng thông tấn Nga Tass. "Việc triển khai loại vũ khí phòng thủ này sẽ giúp tình hình ổn định hơn và mang lại sự an toàn trên khắp Trung Đông."
Tuy nhiên, việc chuyển giao S-300 đã khiến Hoa Kỳ và Israel tức giận- trước đó cả hai đều đã từng tấn công vào các vị trí của chính phủ Syria. Israel đã tiến hành hơn 200 cuộc tấn công vào các địa điểm mà họ cho rằng có sự hiện diện của Iran và các lực lượng dân quân thân Iran tại Syria. Trong khi Mỹ cũng đã hai lần ném bom các mục tiêu chính phủ Syria để đáp trả các cuộc tấn công hóa học họ cho là do quân đội Syria thực hiện.
Syria và Iraq đang tìm cách tăng cường hợp tác phát triển sau khi trải qua thời gian dài xung đột. (Nguồn: AFP/Getty)
Hoa Kỳ và Israel - cùng với các quốc gia khác, như Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ — cũng hỗ trợ cho các nỗ lực buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức trong bối cảnh lực lượng nổi dậy tại nước này hoạt động mạnh mẽ từ năm 2011 cùng với sự trỗi dậy của lực lượng thánh chiến cực đoan. Từ năm 2014, Hoa Kỳ đã tập trung vào chiến dịch đối phó với IS ở cả Iraq và Syria. Trong năm 2015, Nga cũng đã bắt đầu can dự để giúp quân đội Syria đối phó với các chiến binh và quân nổi dậy.
Tổng thống Assad chỉ công nhận Nga và Iran là những đối tác chính thống trong cuộc xung đột và kêu gọi các lực lượng ngoại quốc khác rút quân ngay lập tức, nhưng Hoa Kỳ đã cảnh báo sẽ không rời bỏ cho đến khi Iran và các đồng minh khu vực của họ vẫn còn ở đây. Còn Iran và Nga cũng tăng cường hợp tác với chính phủ Iraq, trước đó được Mỹ hỗ trợ để chống lại IS.
Ảnh hưởng đang lên của loạt siêu cường tại khu vực
Lãnh thổ mà IS kiểm soát được hiện tại không còn đáng kể và vẫn phải đối mặt với sự tấn công từ quân đội Iraq do Mỹ hậu thuẫn, các chiến binh người Kurd, các lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite do Iran hỗ trợ; nhóm lực lượng dân chủ Syria thân cận với Mỹ và quân đội Syria- được Nga và Iran hậu thuẫn.
Trong khi cả Syria và Iraq đều đẩy lui được IS tại khu vực biên giới từ năm ngoái, nhưng Syria vẫn bị chia rẽ giữa chính phủ Syria và lực lượng dân chủ Syria. Sau khi mở cửa trở lại biên giới với Jordan và vùng Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, ông Muallem bày tỏ mong muốn mở lại đường biên giới giữa Al-Bukamal của Syria và Al-Qaim của Iraq "sớm".
Bộ Ngoại giao Iraq cũng cho biết, trong cuộc hội đàm, ông Jaafari nhấn mạnh "chiều sâu của mối quan hệ giữa Baghdad và Damascus dựa trên lợi ích chung và những mối đe dọa mà hai nước anh em phải đối mặt, đồng thời, chỉ ra rằng Iraq muốn mở ra chân trời mới hợp tác trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chống khủng bố nhằm bảo vệ thành tựu của người Iraq và Syria trong cuộc chiến chống lại băng đảng khủng bố IS".
Giới lãnh đạo Baathist của Iraq và Syria là những đối thủ trong nhiều thập kỷ. Hai nước đã không phát triển quan hệ cho đến khi ông Hussein bị lật đổ. Sau đó, cả Damascus và Tehran đã thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Baghdad. Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran thúc đẩy tình trạng bất ổn tại Iraq và đóng cửa một trong các lãnh sự quán tại Iraq của Washington hồi đầu tháng này sau các vụ tấn công mà Washington cho rằng là do các lực lượng địa phương do Tehran ủng hộ, thực hiện.
Trong khi đó, Nga cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ với Iraq. Mặc dù có quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, Iraq cũng bày tỏ quan tâm đến việc mua lại các phòng thủ không quân của Nga hồi đầu năm nay. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với hãng tin Interfax vào cuối tháng trước rằng Moscow có thể sẵn sàng cho phép triển khai quân tới Iraq, cũng như ở Syria, để chiến đấu với IS nếu được yêu cầu bởi Baghdad.