(Tổ Quốc)-Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện mới đây đã ký ban hành Kế hoạch “Nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam” với thời gian thực hiện từ quý III/2016 đến tháng 12.2017.
- 18.08.2016 Thêm ba khách sạn ở Hà Nội bị “rút sao”
- 20.08.2016 Chiến dịch làm thay đổi hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam trên toàn quốc
- 23.08.2016 Khách sạn 3-5 sao trên cả nước “vào tầm ngắm”
- 27.08.2016 Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú để tạo đột phá cho ngành Du lịch: "Điểm huyệt có tính chất chìa khóa chiến lược"
- 31.08.2016 Thanh tra Bộ VHTTDL “tuýt còi” hai cơ sở lưu trú ở Bà Rịa- Vũng Tàu
- 05.09.2016 Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú tạo đột phá cho ngành Du lịch: Trung ương và địa phương đều phải vào cuộc
- 06.09.2016 Nhắc nhở, đề xuất thu hồi “sao” một số khách sạn
- 06.09.2016 “Dịch vụ lưu trú ở Đà Nẵng, Quảng Nam có thể trở thành hình mẫu”
- 08.09.2016 Lựa chọn dịch vụ lưu trú để tạo đột phá cho du lịch Việt: Chủ trương đúng đắn và khả thi
- 09.09.2016 Thế giới xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch như thế nào?
- 12.09.2016 Chấn chỉnh dịch vụ lưu trú: “Sẽ tạo hiệu ứng tốt cho toàn ngành”
Đảm bảo chất lượng lưu trú theo đúng ”chuẩn”
Kế hoạch Nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam nhằm đến mục tiêu cao nhất là nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và những người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành Du lịch trong việc tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch.
Kế hoạch Nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch VN nhằm thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của ngành Du lịch về nhận thức và hành động trong việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (Ảnh: Zing) |
Bên cạnh đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Giáo dục nâng cao ý thức ứng xử văn minh, thái độ lễ phép, thân thiện phục vụ khách đối với tất cả nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch.
Ngoài ra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch; Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức công vụ; thực hiện việc thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, đảm bảo khách quan, công bằng, kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm, tiêu cực, gây khó khăn hoặc bao che cho đơn vị không thực hiện đúng quy định.
Với kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra 3 yêu cầu với ngành Du lịch. Đó là: thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của ngành Du lịch về nhận thức và hành động trong việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá ngành Du lịch như yêu cầu của Đảng và Nhà nước; Thực hiện nghiêm, nhanh chóng và triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành Du lịch thời gian qua; Tạo ra chuyển biến và kết quả cụ thể về nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam.
Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch
Bộ trưởng cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, đối với cơ quan quản lý, tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, mục tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, các quy định, tiêu chuẩn đối với hoạt động lưu trú du lịch, yêu cầu các khách sạn cam kết thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận.
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành. Đối với cơ sở lưu trú du lịch có một số hạn chế: yêu cầu chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp chất lượng trong thời hạn 03 tháng, nếu không thực hiện thì thu hồi quyết định công nhận hạng. Đối với cơ sở lưu trú du lịch không duy trì chất lượng cơ sở vật chất, không đảm bảo vệ sinh, nhân lực không đáp ứng tiêu chuẩn, nhân viên ứng xử thiếu văn minh thì thu hồi quyết định công nhận hạng.
Ngoài ra, hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị khách sạn, kỹ năng nghề cho cán bộ quản lý và nhân viên cơ sở lưu trú du lịch; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực của Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch Việt Nam. Các địa phương có kế hoạch hỗ trợ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nhân lực các cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu xây dựng và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về lưu trú du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia trong du lịch.
Tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến cải tiến chất lượng, cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch chất lượng tốt, được khách du lịch đánh giá cao. Tổ chức vinh danh và trao giải thưởng du lịch Việt Nam cho doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ du lịch hàng đầu, phối hợp Ban Thư ký ASEAN trao giải thưởng du lịch ASEAN hàng năm.
Rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhân lực trong các cơ sở lưu trú
Đây là yêu cầu mà Bộ trưởng đặt ra đối với các cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc. Theo đó, yêu cầu các cơ sở lưu trú tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và nâng cao thái độ ứng xử văn minh cho nhân viên; thay thế, điều chuyển những nhân viên hạn chế về chuyên môn sang bộ phận khác phù hợp.
Đồng thời, tổ chức phổ biến và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.
Ngoài ra, các cơ sở lưu trú cần nhận thức rõ yêu cầu, trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, thực hiện đúng tiêu chuẩn phân loại cơ sở lưu trú du lịch; tham gia và hưởng ứng chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất trang thiết bị; nâng cấp, thay thế kịp thời trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng; đảm bảo các cơ sở lưu trú du lịch, nhất là các khách sạn được xếp hạng từ 3 đến 5 sao phải đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, chuyên nghiệp về dịch vụ.
Kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo tất cả các khu vực trong cơ sở lưu trú luôn sạch sẽ, thực phẩm chế biến phục vụ khách an toàn.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, thực hiện các giải pháp chỉ đạo khen thưởng phù hợp trong phạm vi doanh nghiệp, xử lý kỷ luật kịp thời các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện.
Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động cụ thể được phân công, đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thanh tra Bộ VHTTDL có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành. Các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch lồng ghép trong nội dung báo cáo công tác hàng quý, sáu tháng, cuối năm của đơn vị./.
Lâm Minh