(Cinet) - Để mất then chính là tự đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất một nền văn hóa được hình thành trong một chặng đường lịch sử rất dài và chính là yếu tố để nhận ra bản thân ta trong hàng tỷ người và hàng nghìn nền văn hóa khác nhau.
- 26.04.2018 Nghệ nhân Xuân Bách: Then là hơi thở, Then là cuộc sống
- 29.04.2018 “Câu Then Việt Bắc”: Giới thiệu tinh hoa của Then tới công chúng Thủ đô
- 03.05.2018 “Xe sợi tơ duyên” – Tái hiện nghi lễ Đám cưới của người Tày qua ngôn ngữ Then
- 06.05.2018 Then - Hình thức diễn xướng ca múa nhạc tâm linh đặc sắc
- 12.05.2018 Về với địa đầu cực Bắc Tổ quốc cùng thưởng thức Liên hoan hát Then, đàn Tính
- 14.05.2018 Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ Then
(Cinet) - Khi thanh âm của những điệu Then của tiếng đàn tính đang rộn ràng vang lên tại Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc 2018 tại Hà Giang, gặp lại nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách, một người con của xứ Lạng, người đã nguyện sẽ gắn bó cả cuộc đời với công cuộc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật Then của quê hương.
Mất then chính là tự đánh mất bản sắc dân tộc
Để mất then chính là tự đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất một nền văn hóa được hình thành trong một chặng đường lịch sử rất dài và chính là yếu tố để nhận ra bản thân ta trong hàng tỷ người và hàng nghìn nền văn hóa khác nhau. Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra / Nhóm Đình Làng Việt |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hát then vẫn đồng hành cùng người Tày, Nùng, vẫn được nâng niu và trân trọng truyền lại cho thế hệ sau. Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh “Có thể tìm thấy trong then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng”.
Với nghệ nhân Xuân Bách, Then là tâm huyết và đam mê lớn của cuộc đời, bởi then không chỉ là tiếng hát của quê hương, tiếng hát của cội nguồn, mà then còn là mạch sữa nuôi dưỡng tâm hồn.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, văn hóa truyền thống, then nói riêng và văn hóa Tày, Nùng nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một. Then vẫn “sống” nhưng quả thật để tìm được một câu hát then cổ, một đêm then đúng nghĩa cả về hình thức, nội dung là một việc khó khăn. Bởi luôn có sự rạch ròi giữa then cổ và then mới, giữa then văn nghệ và then nghi lễ. Nghệ nhân Xuân Bách luôn tâm niệm phải bảo tồn lại những câu hát quý giá, những nghi lễ, những điệu then cổ. Bởi Then là một phần của bản sắc dân tộc. Trong then không chỉ có ca hát mà còn có cả ca, múa, nhạc, văn học, mỹ thuật, tâm linh và đặc biệt chính là ngôn ngữ. Bởi “để mất then chính là tự đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất một nền văn hóa được hình thành trong một chặng đường lịch sử rất dài và chính là yếu tố để nhận ra bản thân ta trong hàng tỷ người và hàng nghìn nền văn hóa khác nhau”, anh Bách chia sẻ.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” sẽ được dự xét trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này cho thấy những giá trị văn hóa của then luôn được các nhà khoa học, các nhà quản lý đề cao và trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn tinh hoa và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đúng như GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã nhận định “Trong việc nhìn nhận giá trị của thực hành then cần có sự phân biệt rạch ròi giữa then cổ và then mới, giữa then nghi lễ và then văn nghệ. Nhất là không thể dựa vào then mới, then văn nghệ để bảo tồn then cổ, then nghi lễ.” Để từ đó, các nhà quản lý văn hóa đưa ra những chính sách bảo tồn và phát triển đích đáng.
Bảo tồn then phải xuất phát từ cộng đồng
Để bảo tồn được hát then thì yếu tố cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Thuận lợi lớn nhất cho việc bảo tồn then là ở các địa phương, các nghệ nhân then vẫn còn nhiều, đặc biệt, các nghi lễ tín ngưỡng vẫn còn được thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều hiện vật, sách then bằng tiếng Tày - Hán vẫn còn được gìn giữ nhiều trong những gia đình có truyền thống làm thầy Then. Hát then còn được giảng dạy tại các trường, các lớp đào tạo, tại các câu lạc bộ ở địa phương.
Nghệ nhân Xuân Bách khẳng định: “giáo dục và định hướng âm nhạc là phần việc giữ vai trò quyết định trong việc bảo tồn hát then” hiện nay. Ảnh: Nguyễn Đức Bình |
Nghệ nhân Xuân Bách cũng đồng thời là một trong những giảng viên bộ môn hát then đàn tính tại trường CĐ VHNT Việt Bắc khẳng định, “giáo dục và định hướng âm nhạc là phần việc giữ vai trò quyết định trong việc bảo tồn hát then” hiện nay.
Đã giảng dạy cho nhiều lớp học trò, anh Bách nhận ra đa phần các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở các bản làng, còn biết nói tiếng mẹ đẻ và được cha mẹ định hướng âm nhạc bằng cách thường xuyên hát then hoặc bật băng đĩa cho nghe. Chính điều này đã dần dân bồi đắp tình yêu then nơi các em.
“Bên cạnh đó, có một số em ban đầu không thích nghe then bởi các em không biết nói tiếng mẹ đẻ và không được tiếp xúc với hát then nhiều. Tuy nhiên sau một thời gian xuống trường, được nghe các bạn hát then, đánh đàn tính, các em liền nhận ra những cái hay, cái đẹp của then và các em dần dần trở nên đam mê. Từ đó dẫn theo 1 điều rất thú vị, đó là các em tự học lại tiếng mẹ đẻ. Đó là một điều rất đáng quý”, anh Bách cho biết.
Điều quan trọng là phải động viên các nghệ nhân cố gắng lưu giữ những giá trị cổ truyền của then, không để then bị mất mát bài bản hoặc bị biến tướng, “lai căng” bên cạnh chính sách hỗ trợ phù hợp. Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra / Nhóm Đình Làng Việt |
Mặt khác, đội ngũ những hạt nhân văn nghệ, những người “thầy” dân gian có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn hát then. Nghệ nhân Xuân Bách chia sẻ, “qua quá trình đi dạy tại các CLB, tôi nhận thấy rằng, không hẳn đồng bào không yêu then. Ngược lại, được đàn, được hát là những khát khao rất lớn. Nhưng khát khao này đến ngày nay vẫn chưa được thỏa mãn vì không có người hướng dẫn. Do vậy trong quá trình giảng dạy đàn hát then cho sinh viên, bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật đàn hát, chúng tôi còn lưu ý hướng dẫn cho các em thêm kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm và phương pháp sư phạm để sau khi về địa phương, các em có thể thay chúng tôi tiếp tục gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ địa phương.” Trong đó, có thể kể ra các câu lạc bộ hát then hoạt động rất sôi nổi như: CLB như Minh Chiến (Thái Nguyên), Diệu Khoái, Ngọc Ánh (Cao Bằng), Văn Huyện (Hà Giang), Chu Sơn (Lạng Sơn).
Một trong những hạt nhân bảo tồn nghệ thuật hát then tại địa phương chính là các nghệ nhân đã gắn bó cả cuộc đời với loại hình nghệ thuật này. Họ am hiểu then cổ cũng như các nghi lễ then, các tinh hoa của Then và việc truyền dạy các tinh hoa đó cho thế hệ kế cận cũng là cách để then tiếp tục được gìn giữ. Điều quan trọng là phải động viên các nghệ nhân cố gắng lưu giữ những giá trị cổ truyền của then, không để then bị mất mát bài bản hoặc bị biến tướng, “lai căng” bên cạnh chính sách hỗ trợ phù hợp./.