(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, công tác phòng chống dịch ở vùng biên giới còn nhiều vất vả thì những phần quà là vật tư y tế, nước sạch, thực phẩm… là sự động viên kịp thời, hết sức ý nghĩa để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành nhiệm vụ.
- 12.05.2021 Thừa Thiên Huế tạm dừng cấp căn cước công dân để phòng dịch COVID-19
- 11.05.2021 Thêm ca dương tính với nCoV tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, tạm dừng hoạt động vận tải khách bằng ô tô đến 6 tỉnh
- 11.05.2021 Quảng Trị ghi nhận thêm 2 ca nhiễm COVID-19, Thừa Thiên Huế cách ly 21 ngày người về từ vùng dịch
- 09.05.2021 Thừa Thiên Huế: Thêm một ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 liên quan thẩm mỹ viện Amida
- 08.05.2021 Đà Nẵng thêm 2 ca dương tính SARS-CoV-2, Thừa Thiên Huế lập chốt kiểm soát tăng cường phòng chống dịch
Ngày 15/5, đoàn công tác của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến thăm, tặng quà và động viên lực lượng tuyến đầu đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát biên giới, phòng chống dịch Covid-19 tại 10 chốt kiểm dịch đóng ở xã A Đớt và Hương Nguyên, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tại đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đoàn công tác đã trực tiếp trao tặng nhiều phần quà là khẩu trang, sữa, nước sát khuẩn... cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Trước đó, ngày 14/5, đoàn đã đến thăm, tặng quà tại các chốt ở xã Hồng Vân và Nhâm Quảng, huyện A Lưới, trao 12.500 chiếc khẩu trang, 145 chai nước sát khuẩn, 104 thùng sữa tươi, cùng nước suối, cà phê hòa tan, mì hộp, xúc xích.... cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở khu vực biên giới qua huyện A Lưới.
Đường biên giới qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế dài 89,2km, tiếp giáp nước bạn Lào, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn lối mở. Đời sống của nhân dân khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật hạn chế. Nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, thường qua lại thăm thân, trao đổi, mua bán hàng hóa… nên có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Trong bối cảnh nước bạn Lào đã phát hiện những ca mắc mới Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã lên phương án và triển khai thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch Covid-19.
Hiện nay, trên tuyến biên giới này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đang duy trì 36 tổ/279 người bao gồm 19 chốt cố định, 17 tổ lưu động để bảo vệ biên giới, phòng chống dịch. Lực lượng làm nhiệm vụ tại các tổ này bao gồm lính biên phòng có 220 người cùng với công an, dân quân, y tế và quân đội.
Trước tình hình cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 khả năng còn kéo dài, công tác phòng chống dịch ở vùng biên giới còn nhiều vất vả thì những phần quà là vật tư y tế, nước sạch, thực phẩm… từ đoàn công tác của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế là sự động viên kịp thời, hết sức ý nghĩa để các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.
Kiểm soát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có chỉ đạo đối với các đơn vị trên địa bàn liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, đặc biệt là khu vực giáp ranh với thành phố Đà Nẵng; tuyệt đối không để công dân xâm nhập trái phép vào địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Covid -19 tỉnh và UBND tỉnh đối với trường hợp để công dân xâm nhập trái phép vào địa bàn.
Yêu cầu Công An tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát người và phương tiện từ vùng dịch tại các Chốt kiểm tra y tế liên ngành để khoanh vùng, sàng lọc đối tượng; đặc biệt, tuyệt đối không tiếp nhận công dân đến từ/trở về thành phố Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế (trừ các trường hợp thực thi công vụ và có ý kiến của Ban Chỉ đạo).
UBND các huyện, thị xã và TP Huế tăng cường kiểm soát công dân địa phương khác, đặc biệt là các địa phương có dịch đến địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng công dân đến Thừa Thiên Huế không được giám sát, khai báo và theo dõi. Xử lý nghiêm các đối tượng đi từ vùng dịch trở về địa phương không thực hiện khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, vi phạm các nguyên tắc phòng dịch…/.