(Tổ Quốc) - Có những nước đã bắt đầu nới lỏng dần các quy định hạn chế được áp dụng để kiểm soát dịch bệnh nhưng hầu hết vẫn cho rằng, vẫn còn quá sớm để thực hiện các thay đổi lớn.
EAP đăng tải, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang tạo ra một thách thức chính trị lớn: trong khi nhiều chính phủ muốn duy trì các lệnh phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của COVID-19 thì người dân lại muốn tái mở cửa nền kinh tế giữa những lo ngại về một cuộc suy thoái. Có những nước đã bắt đầu nới lỏng dần các quy định hạn chế nhưng hầu hết vẫn cho rằng, vẫn còn quá sớm để thực hiện các thay đổi lớn.
Tại Mỹ, áp lực đang ngày càng hiển hiện rõ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố, một số khu vực của đất nước đã sẵn sàng để từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, một số lãnh đạo bang lại nói, phản ứng của họ trước đại dịch bị ảnh hưởng tiêu cực do sự chậm chạp trong phản ứng của chính quyền liên bang.
Trong buổi họp báo vào tối chủ nhật (19/4), Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ một lần nữa sử dụng Đạo luật Quốc phòng nhằm bắt buộc gia tăng sản xuất tăm bông phục vụ cho xét nghiệm. Tăm bông cũng là một trong những sản phẩm mà các thống đốc bang liên tục đề nghị tổng thống hỗ trợ họ trong việc tìm nguồn cung cấp.
Buổi họp báo thường nhật diễn ra chỉ vài giờ sau khi thống đốc bang Washington Jay Inslee cáo buộc Tổng thống Trump đã khuyến khích sự nổi dậy và"hành động bất hợp pháp" bằng cách "xúi giục" người biểu tình chống lại những quy định mà chính chính quyền liên bang đã đề ra.
"Một vị tổng thống Mỹ kích động người dân vi phạm luật, tôi không thể nhớ mình từng chứng kiến điều gì như vậy tại nước Mỹ", ông Inslee phát biểu trên kênh ABC. "Đó là điều rất nguy hiểm bởi vì nó có thể khiến mọi người bỏ qua những thứ thực sự có thể cứu sống sinh mạng họ".
Những người ủng hộ ông Trump tại một số bang đã không tuân thủ các chỉ thị giãn cách xã hội và yêu cầu ở nhà. Thay vào đó, họ tụ tập biểu tình, đề nghị chính quyền dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát hoạt động nơi công cộng. Biểu tình quy mô lớn đã thu hút hàng nghìn người tham gia ở Lansing, bang Michigan vào giữa tuần trước trong khi các cuộc biểu tình nhỏ lẻ hơn cũng diễn ra ở một vài bang khác. Tổng thống Trump dường như đã khuyến khích làn sóng phản đối tại các bang có thống đốc thuộc phe Dân chủ khi kêu gọi người dân "giải phóng" trên Twitter. Giải thích cho hành động của mình, ông Trump nói, "những người dân này yêu đất nước của họ; họ muốn quay trở lại làm việc".
Trong khi thống đốc Inslee so sánh phản ứng của ông Trump với "tâm thần phân liệt", thì thống đốc theo phe Cộng hòa của bang Maryland Larry Hogan, gọi đó "là điều không thể hiểu nổi".
"Chúng ta đang gửi đi các thông điệp hoàn toàn xung đột tới các thống đốc bang và người dân, như thể chúng ta nên tảng lờ chính sách và các khuyến nghị liên bang", ông Hogan chia sẻ với CNN.
Các lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn cuộc sống kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo, cũng như đẩy thế giới vào một cuộc sụt giảm kinh tế chưa từng thấy kể từ Đại Suy thoái. Hàng chục triệu người lao động đã bị mất việc làm và hàng triệu người khác đang phải đối mặt với nguy cơ tương tự.
Với con số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 khác nhau tại mỗi quốc gia cũng như tại mỗi bang của nước Mỹ, các đề xuất đối phó với dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 165.000 người toàn cầu, cũng khác nhau.
Trung Quốc - nơi khởi xướng và cũng là tâm dịch đầu tiên trên toàn cầu, đã dỡ bở các hạn chế đi lại và nhiều lệnh cấm khác; tuy nhiên lưu lượng người di chuyển vẫn còn kém xa so với trước đại dịch.
Đức đang áp dụng giãn cách xã hội nhưng kể từ thứ 2 (20/4), nước này bắt đầu cho phép một số cửa hàng nhỏ như cửa hàng bán đồ nội thất và đồ trẻ em… được hoạt động lại. Tây Ban Nha nói, trẻ em có thể chơi ở ngoài từ ngày 27/4.
Theo phần lớn chuyên gia y tế, con số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 trong thực tế cao hơn nhiều so với các thống kê chính thức. Nguyên nhân là các trường hợp có triệu chứng nhẹ có thể bị bỏ qua, năng lực xét nghiệm bị giới hạn và nhiều nước không có cách thống kê hiệu quả, thậm chí là cố tình làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
"Chúng ta không được buông lỏng cảnh giác cho tới khi bệnh nhân cuối cùng hồi phục", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố.
Tại Anh, với 596 ca tử vong trong bệnh viện vì virus chỉ riêng trong ngày 19/4, giới chức cho hay, họ vẫn chưa sẵn sàng để thu hẹp những nỗ lực hạn chế dịch bệnh lây lan. Lệnh phong tỏa tại Anh hiện được kéo dài tới ngày 7/5.
Còn cơ quan y tế Pháp cũng kêu gọi người dân tuân thủ giãn cách xã hội được áp dụng ít nhất tới ngày 11/5. Thủ tướng Edouard Philippe cảnh báo, người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời khuyến cáo, ngay cả sau thời hạn 11/5, mọi người vẫn chưa nên lập kế hoạch nghỉ hè.
Tổng thống Trump hiện đã bắt đầu thúc đẩy nới lỏng phong tỏa tại một số bang của nước Mỹ cho dù chưa đến thời hạn 1/5 kết thúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế và nhiều thống đốc bang, kế hoạch này đòi hỏi năng lực xét nghiệm gia tăng ít nhất 3 lần.
Thống đốc bang California Gavin Newsom nói, bang của ông không thể bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa cho tới khi có thể xét nghiệm được nhiều hơn mỗi ngày. "Về khả năng xét nghiệm mà chúng ta nên có, giờ đây, chúng ta còn chưa đạt gần tới mức đó với tư cách một quốc gia, chứ chưa nhắc tới tư cách một bang", ông Newsom cho hay.
Các căng thẳng địa chính trị và tôn giáo có từ nhiều thế kỷ trước cũng góp phần làm cho các phản ứng toàn cầu trước COVID-19 trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, Vua Abdullah II của Jordan nhận định, dịch bệnh đã tạo ra các "đối tác" từ "chính những kẻ thù hoặc những nước thiếu thiện chí của ngày hôm qua – cho dù chúng ta có muốn hay không".
"Tôi nghĩ chúng tôi, những nhà lãnh đạo và chính trị gia thế giới càng hiểu điều đó càng nhanh, chúng ta sẽ càng sớm kiểm soát được dịch bệnh này", đức vua Jordan trả lời phỏng vấn đài CBS.