(Tổ Quốc) - Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có mặt tại Hà Nội và thượng đỉnh song phương đã sẵn sàng để diễn ra.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, trường Kennedy, Đại học Harvard ngày 26/2 cho hay, hoạt động gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo trong ngày 27/2 tương đối ngắn, hầu hết phần gặp chính sẽ diễn ra trong ngày 28/2.
Kì vọng gì kết quả thượng đỉnh?
Theo ông Nguyễn Việt Phương, kì vọng chính của ông là hội nghị này sẽ đặt ra một lộ trình hướng đến tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Theo thông tin từ phía Hàn Quốc thì cũng rất có thể đạt được thêm một số tiến bộ về mặt hạt nhân, phá hủy thêm một số cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên hay thậm chí đưa ra quy trình về việc thanh sát quốc tế tới giám sát quy trình phá hủy hạt nhân của Triều Tiên. Nếu hai nhà lãnh đạo nhất trí được về mặt nguyên tắc ở một mức độ nhất định những điểm này thì đây cũng là những thành công rất lớn cho thượng đỉnh tại Việt Nam – khi so sánh với thượng đỉnh lần một tại Singapore.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer chia sẻ ngày 26/2. (Ảnh: Kim Quý)
PGS.TS Võ Đại Lược- Chủ tịch Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nhận định, nhiều người đã nói rằng, kết quả có thể đạt được sẽ ở mức là hai bên nhất trí đưa ra khuôn khổ tiếp tục đàm phán, như Mỹ có thể yêu cầu Triều Tiên cung cấp danh sách tất cả các lò phản ứng hạt nhân và tên lửa đạn đạo; cung cấp danh sách các học giả chuyên hạt nhân; định ra một lộ trình phi hạt nhân hoá. Còn Triều Tiên thì trước hết muốn hòa bình, đảm bảo kí được hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh; đảm bảo cho ổn định của Triều Tiên; thứ 2 là Mỹ cũng phải đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và điều quan trọng nhất là dỡ bỏ cấm vận. Trong khi Triều Tiên muốn Mỹ bỏ trừng phạt thì họ sẽ thực hiện lộ trình phi hạt nhân, còn Mỹ hiện nay đang muốn Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước. Đây sẽ là điều còn trái chiều nhau. Ông Võ Đại Lược cũng cho hay, nhiều nguồn dư luận nói rằng, đây mới là cuộc họp thứ 2 và chắc là sẽ còn nhiều cuộc họp nữa.
Về nội dung này, GS, chuyên gia kinh tế đối ngoại Augustine Hà Tôn Vinh ngày 26/2 lại cho hay, đây không phải là hội nghị thượng đỉnh lần đầu mà đây là hội nghị thượng đỉnh lần hai. Tại hội nghị lần đầu ở Singapore, Mỹ - Triều Tiên đã có sự thăm dò lẫn nhau và tại thượng đỉnh lần này, có lẽ họ phải đi đến kết luận gì đó, thứ nhất có thể là tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên từ 1953 đến nay, thứ 2 là Mỹ cam kết dỡ bỏ cấm vận và Triều Tiên cam kết dỡ bỏ vũ khí hạt nhân. Nói thì dễ nhưng cần có thời gian để hai bên, các nước kiểm soát, giám sát tiến trình giải giáp, giảm trừ vũ khí.
"Vùng cấm" thượng đỉnh?
Liên quan đến những nội dung nằm trong "vùng cấm" hay những vấn đề nào Mỹ và Triều Tiên có thể nhượng bộ, TS. Nguyễn Việt Phương cho rằng, chủ yếu là sự nhượng bộ về các vấn đề liên quan đến hỗ trợ nhân đạo. Các lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên hủy chương trình hạt nhân và tên lửa, đó là điều không thể tại thời điểm hiện tại. Vì vậy chỉ có 1 số khuôn khổ hỗ trợ nhất định về mặt nhân đạo hay năng lượng - điều cho đến lúc này Mỹ vẫn rất cứng rắn. Nhưng có thể là sau cuộc gặp thượng đỉnh thì Mỹ sẽ mở hơn về vấn đề này.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã sẵn sàng cho thượng đỉnh tại Hà Nội. (Nguồn: Reuters)
Điều thứ hai là hợp tác song phương liên Triều giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Việt Phương, như cuộc gặp năm ngoái giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng thì phía Hàn Quốc đã đưa theo rất nhiều nhà lãnh đạo trong giới kinh doanh, ông chủ các tập đoàn lớn như SK, Samsung, LG…. Ngay sau đó, các ngân hàng Hàn Quốc đã lên kế hoạch hoạt động tại Triều Tiên. Dù vậy, các động thái này đã bị phía Mỹ, cụ thể là Bộ Tư pháp đề nghị dừng lại. Rất có thể Mỹ sẽ nhượng bộ theo hướng là một cách gián tiếp cho phép Hàn Quốc đẩy mạnh tương tác kinh tế với Triều Tiên thay vì để Mỹ - Triều Tiên trực tiếp với nhau.
Về phía Triều Tiên, họ có thể nhượng bộ được gì? Ông Nguyễn Việt Phương cho rằng, kể từ sau thượng đỉnh Singapore, phía nhượng bộ chủ yếu là Triều Tiên như việc phá hủy một số cơ sở hạt nhân. Nhưng dù vậy, những hoạt động này vẫn chưa có sự giám sát nhất định từ bên ngoài. Như vậy có thể là họ sẽ đưa ra một số nhượng bộ với bên ngoài, như mở văn phòng liên lạc hay cho phép các thanh sát viên quốc tế hay từ nước thứ 3 tới Triều Tiên theo dõi quá trình phá hủy các cơ sở hạt nhân.
Việc hai bên quyết định tổ chức một hội nghị thứ 2 đã chứng tỏ rằng hai bên đều cần đến nhau. Đối với những vấn đề còn nhạy cảm thì theo ông Nguyễn Việt Phương, về một số vùng cấm đối với Mỹ thì một số nhận định hay nhắc tới là nếu hai bên có kí hiệp ước kết thúc chiến tranh thì Mỹ có rút quân khỏi Hàn Quốc hay không? Trong thời điểm trước mắt, Mỹ sẽ không rút quân khỏi Hàn Quốc và Mỹ sẽ không nhắc đến điều đó.
Về phía Triều Tiên thì vùng cấm lớn nhất vẫn là một thỏa thuận chính thức yêu cầu Triều Tiên bỏ chương trình hạt nhân của họ. Hiện tại nước này sẽ chưa làm điều đó vì chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên vẫn là xương sống cho an ninh của Triều Tiên.