• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ “thắng điểm” trong cuộc đối đầu không tiếng súng ở Doklam

Thế giới 30/08/2017 11:11

(Tổ Quốc)-Hòa hoãn Trung - Ấn tại Doklam chỉ là tạm thời.

Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã nhất trí rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam (Bắc Kinh gọi là Đông Lãng), nơi hai nước có đối đầu căng thẳng trong 70 ngày. 

Cùng ngày, Người phát ngôn BNG Trung Quốc cũng xác nhận binh sĩ Ấn Độ đã bắt đầu rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp. Người phát ngôn còn khẳng định binh lính Trung Quốc vẫn tiếp tục tuần tra tại khu vực vừa có tranh chấp. 

Trong các tuyên bố chính thức, Trung Quốc không nói là quân đội của họ “cùng rút”. Nhưng các tin tức ở cả hai phía đều khẳng định điều này. Vả lại, Thủ tướng Modi khó mà đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS lần thứ 9 từ ngày 3-5/9 tại thành phố Hạ Môn (Phúc Kiến), nếu hai bên không dàn xếp được một giải pháp “thể diện” đối với cả hai nước.

Trung Quốc ra sức chèn ép Ấn Độ

Dự án của Trung Quốc xây dựng con đường núi ở Doklam chỉ là phần mới nhất trong kế hoạch rộng lớn của Bắc Kinh.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu 2 ngày sau khi ngày 16/6 binh sĩ Trung Quốc mở rộng một con đường đi qua cao nguyên chiến lược Doklam/Đông Lãng, tiến vào thung lũng Chumbi. Đây là một điểm giao cắt 3 nước Ấn Độ-Trung Quốc-Bhutan đồng thời là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Bhutan kêu gọi Ấn Độ hỗ trợ xử lý vụ việc này theo Điều 2 của Hiệp ước hữu nghị song phương được gia hạn năm 2007.

Thung lũng Chumbi tiếp nối với Hành lang Siliguri của Ấn Độ, một dải đất hẹp nằm giữa Bangladesh và Nepal, còn được gọi là “Cổ Gà” (xem bản đồ). Các tuyến đường sắt và đường bộ của Ấn Độ nối vùng lãnh thổ trung tâm của nước này với 7 bang phía đông-bắc chạy qua hành lang này. 

Một số nhà phân tích Ấn Độ chỉ rõ, nếu con đường được hoàn thành, lực lượng của Trung Quốc có thể dễ dàng khống chế dải đất hẹp chia cắt vùng trung tâm của Ấn Độ với các bang phía đông bắc trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Nhưng có nhiều vấn đề chiến lược nguy hiểm đối với an ninh Ấn Độ ngoài mối đe dọa chiến thuật này.

Dưới góc nhìn của New Delhi, hoạt động của Trung Quốc dọc tuyến biên giới Himalayas cho thấy nỗ lực của Trung Quốc phá hoại quan hệ gần gũi của Ấn Độ với các nước láng giềng Nam Á. Nếu Trung Quốc có thể buộc Ấn Độ từ bỏ một đối tác thì sẽ tạo ra một tiền lệ quan trọng, tăng khả năng các nước Nam Á khác cũng từ bỏ quan hệ gần gũi với Ấn Độ, khi các nước này đang đối mặt với áp lực và sự ve vãn khó cưỡng nổi của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể xóa bỏ ảnh hưởng của Ấn Độ ở Bhutan, làm giảm ưu thế của Ấn Độ trong cuộc tranh chấp lâu dài trên “mái nhà của thế giới”.

Trung Quốc cũng tìm cách tăng cường sức mạnh cho các đối thủ của Ấn Độ ở khu vực, đặc biệt là củng cố quan hệ với Pakistan. Năm 2013, Trung Quốc coi thường những lo ngại phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu với việc đồng ý xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Karachi, một thành phố cảng của Pakistan. Kể từ đó, Bắc Kinh đã cam kết cung cấp 60 tỷ USD cho Pakistan, chủ yếu dưới hình thức các khoản vay dài hạn để xây dựng đường bộ, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Một số dự án đi qua vùng tranh chấp Kashmir tranh chấpgiữa Ấn Độ-Pakisan-Trung Quốc. Nếu những con đường thuộc dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan hoàn thành, Trung Quốc có thể sử dụng các tuyến đường cao tốc nối cảng Gwadar (Trung Quốc có quyền vận hành đến những năm 2050) với thành phố Kashgar thuộc Tây Tạng. Giới chức Ấn Độ rất chú ý tới tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường bộ này. Nó có thể tạo ra liên kết quan trọng giữa hai kẻ thù lớn nhất của Ấn Độ; và Trung Quốc có thể sử dụng tuyến đường này để hỗ trợ quân sự cho Pakistan trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Đồng thời, tiếp cận Gwadar, Trung Quốc trở thành một quốc gia tiếp cận hai đại dương – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một đội tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Tây Ấn Độ Dương, ngầm đe dọa Ấn Độ từ biển

Trong khi binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau, truyền thông nhà nước Trung Quốc đe dọa Ấn Độ sẽ phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nếu không rút quân khỏi khu vực. Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đi đầu trong các phát biểu của quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao, cho thấy sự trịnh thượng và coi thường Ấn Độ. Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc tập trận khá quy mô tại khu vực gần biên giới. Trung Quốc lần đầu tiên trình làng loại xe tăng nhỏ thích hợp với các trận đánh miền núi. Nhưng Ấn Độ đã mua của Israel 8.000 tên lửa vác vai diệt tăng. Tuần trước, một nhóm tàu chiến Trung Quốc đã tập trận tại Tây Ấn Độ Dương, được xem là để gây áp lực với Ấn Độ từ biển.

Trung Quốc muốn  Ấn Độ nằm trong quỹ đạo của “Trật tự Trung Hoa”. Bắc Kinh không hài lòng việc Ấn Độ không cử đại diện chính phủ tới dự Hội nghị thượng đỉnh “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI). Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã đưa quan hệ với Mỹ lên tầm cao mới, làm phật lòng Trung Quốc.

Từ khi Mỹ triển khai chính sách “xoay trục” và Tái cân bằng sang châu Á, Ấn Độ trở thành một trong những đối tác khu vực cơ bản của Washington trong chủ trương kiềm chế Trung Quốc. Điều này cũng phù hợp với những tham vọng địa chính trị của New Delhi trở thành một cường quốc châu Á và làm chủ Ấn Độ Dương./.

(Kỳ sau: Tại sao Ấn Độ “thắng điểm” trong cuộc đối đầu Doklam?)

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ