• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhức nhối vi phạm bản quyền ngành xuất bản

Văn hoá 25/11/2022 14:33

(Tổ Quốc) - Tại Hội thảo tổng kết “10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012” diễn ra ngày 25/11, theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm đã và đang vấp phải nhiều bất cập, khó khăn phát sinh từ thực tiễn cần phải nghiên cứu, tháo gỡ, đặc biệt là tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền cả xuất bản phẩm in và điện tử…

Sách lậu tràn lan

Việc Khối liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPA) xếp Việt Nam vào một trong những quốc gia vi phạm bản quyền nhiều nhất dù không thể kiểm chứng số liệu là sự cảnh báo đáng quan tâm. Vấn đề này cũng được đề cập tại rất nhiều cuộc hội thảo về xuất bản.

Sau 10 năm triển khai, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn đã tạo đà tăng trưởng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành của cả nước, song bên cạnh những ưu điểm và mặt tích cực, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh trong thực tiễn, khiến việc thi hành Luật gặp phải những hạn chế, bất cập. Cùng với sự phát triển của các loại hình xuất bản điện tử, hành vi vi phạm bản quyền lại càng nhức nhối hơn bao giờ hết. So với việc in lậu sách giấy, hành vi phát tán sách điện tử tràn lan trên môi trường số phức tạp và khó xử lý hơn nhiều. Do đó, nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất chế tài xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và bảo vệ độc giả.

Nhức nhối vi phạm bản quyền ngành xuất bản  - Ảnh 1.

Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản

Bà Trần Thị Bạch Dương, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển Văn hóa (CDIMEX) băn khoăn: “Chúng tôi đã phát hành một số đầu sách dịch chuyên ngành, nhưng vấn đề khó khăn lớn nhất gặp phải là tình trạng photocopy, sao chép ngang nhiên ở các trường học. Một số trường học cho tư nhân thuê mở dịch vụ photocopy ngay trong khuôn viên và tất cả đều không tuân theo luật bản quyền, không hạn chế tài liệu nhận photocopy, thậm chí photocopy cả sách vừa xuất bản với số lượng lớn để phát cho cả lớp. Khi chúng tôi đưa đại diện các nhà xuất bản nước ngoài đến tham quan một số trường học tại Việt Nam, họ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các máy photocopy và máy scan hiện đại được hoạt động mà không có bất kỳ nội quy nào; đơn vị sử dụng được toàn quyền sao chép, dưới danh nghĩa phục vụ cho giảng dạy và học tập. Bởi vậy, các nhà xuất bản nước ngoài dù có chính sách cho phép in sách gốc tại Việt Nam nhưng họ vẫn rất lo ngại dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong nước khi mua bản quyền in lại”.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha cho rằng: Vấn đề xử lý sách lậu vẫn còn quá nhiều kẽ hở, gây ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị xuất bản. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, mức phạt thấp chưa đủ răn đe, các biện pháp kiểm tra chưa đủ sâu sát đang là thực trạng của vấn đề này. Tình trạng sách giả tràn lan, do việc kiểm soát chưa đủ chặt chẽ đối với các nhà in và các đơn vị phát hành, các hội chợ sách, đặc biệt là Hội chợ sách cũ, các trang web, page bán sách lậu công khai…

Hiện nay, ngành xuất bản đang theo xu hướng số hóa xuất bản phẩm nhưng trong Luật Xuất bản chưa có quy định cụ thể, chi tiết để giúp người sử dụng nhận thức được vấn đề tôn trọng bản quyền như sách giấy.

Theo đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha, vi phạm bản quyền kỹ thuật số từ lâu tấn công ngành công nghiệp âm nhạc và phim ảnh, giờ đang lan nhanh đến lĩnh vực xuất bản. Việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó. Từ khoảng năm 2010, nổi lên nhiều trang mạng, diễn đàn tự tổ chức thu thập và chia sẻ ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ. Đây là dạng phát tán file ebook trái phép, không được sự đồng ý của nhà xuất bản hay tác giả nhưng vẫn phát triển rầm rộ do nhu cầu đọc ebook của người dùng Internet ngày càng tăng.

Nhức nhối vi phạm bản quyền ngành xuất bản  - Ảnh 2.

Nhiều sách của First News bị in lậu

Cần cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn

Đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là Luật Xuất bản vẫn chưa đưa ra các chế tài đối với ebook lậu. Để thị trường xuất bản phẩm điện tử có bản quyền phát triển được, theo các đơn vị trong ngành, luật pháp phải là công cụ bảo vệ hữu hiệu, phải tạo được hành lang pháp lý, với các quy định rõ ràng, tính đến nhiều khía cạnh của thực tế. Đặc biệt, cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát hành sách điện tử dựa trên những quy định pháp luật đã có.

Các chế tài xử lý vi phạm của xuất bản phẩm điện tử lậu không được quy định cụ thể ở Luật Xuất bản 2012, mà quy định xử lý theo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Luật Sở hữu trí tuệ cũng có quy định liên quan. Như vậy, cần sự phối hợp về vai trò của các cơ quan: Hội Xuất bản Việt Nam (chủ trì, lên tiếng bảo vệ quyền lợi hội viên); Cục Xuất bản, In và Phát hành và Cơ quan Thanh tra của Bộ TT&TT; Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL); Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương... Đại diện các đơn vị làm sách cũng kiến nghị cân nhắc tăng mức phạt với các hành vi vi phạm và bổ sung xử lý hình sự để có tính răn đe mạnh hơn.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành kêu gọi các đơn vị tiếp tục góp ý chỉnh sửa Luật Xuất bản sau 10 năm thực hiện. “Bản quyền là vấn đề phức tạp, nên một số nước có những tòa án dành riêng cho các vụ liên quan đến bản quyền; đồng thời tiết lộ, tương lai dự kiến có Trung tâm bản quyền sách thuộc Hội Xuất bản Việt Nam”, ông Nguyên thông tin.

Luật Xuất bản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua 10 năm thi hành, các quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6-8%/năm.

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số lượng xuất bản phẩm trong thời gian này có giảm, toàn ngành đã xuất bản được 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm, tăng 1,1 lần so năm 2012.

Qua 10 năm thi hành Luật Xuất bản, ngành xuất bản, in và phát hành đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.


An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ