(Tổ Quốc) - Các chuyên gia nước ngoài nói về những điểm tích cực trong các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại thượng đỉnh lần hai.
- 01.03.2019 TS.Nguyễn Ngọc Trường: Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ nhà thượng đỉnh Mỹ - Triều
- 28.02.2019 Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang: Đàm phán Mỹ- Triều đáng tiếc nhưng không phải không còn cơ hội
- 28.02.2019 Từ Giơnevơ, Paris tới Hà Nội và cuộc hòa giải lịch sử Mỹ- Triều
- 27.02.2019 Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường: "Đóng băng hạt nhân" có thể là kết quả tốt nhất của Thượng đỉnh Hà Nội
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, hai chuyên gia quốc phòng và an ninh mỹ đã "lật lại" những nhận định rằng, hội nghị chưa đạt được kết quả như mong đợi do hai bên không đi tới một thỏa thuận chung mới.
Cái bắt tay hồ hởi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên được coi là một trong những hình ảnh tích cực nhất của thượng đỉnh Hà Nội (ảnh: AP)
"Lịch sử của mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên trong hơn 25 năm qua là một cuốn sách nhiều kịch tính, sự thấu hiểu lịch sử theo cách trắng và đen…; đặc biệt hội nghị thượng đỉnh lần này rõ ràng là một phần của lịch sử đó và đã được khắc họa theo đúng phong cách đó", Joel Wit, giám đốc của 38North – một trang web chuyên phân tích về Triều Tiên, đánh giá hôm thứ Sáu (1/3).
"Cả hai nhà lãnh đạo đều đầu tư rất nhiều vào tiến trình này, trong đó đáng kể nhất là ông Kim Jong-un", ông Wit nhận xét. Chuyên gia này cũng từng tham gia điều phối thực hiện Chương trình khung thống nhất Mỹ - Triều Tiên vào năm 1994 dưới thời kỳ Tổng thống Bill Clinton. Thỏa thuận trên đã bị sụp đổ khi Bình Nhưỡng bị phát hiện làm giàu uranium.
Quá trình của ông ấy [Kim Jong-un] không phải là để thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế như nhiều người nói. Đó thực sự là một sự thay đổi trong chính sách của Triều Tiên, và ông Kim đang cố gắng để đi theo một con đường khác.
Joel Wit
"Quá trình của ông ấy [Kim Jong-un] không phải là để thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế như nhiều người nói. Đó thực sự là một sự thay đổi trong chính sách của Triều Tiên, và ông Kim đang cố gắng để đi theo một con đường khác", Joel Wit phân tích. "Đã có tiến triển tại thượng định trong nhiều vấn đề, chỉ là vẫn chưa đủ để đạt được một thỏa thuận cuối cùng".
Theo chuyên gia của 38North, "chúng ta không thể đi tới được một thỏa thuận tại thời điểm này, nhưng… chúng ta đã đạt được một cấp độ chi tiết mà hóa ra đã bị bỏ qua trong một thời gian dài, từ tuyên bố chung tại Singapore hồi tháng 6/2018, bao gồm những thứ như định nghĩa về tổ hợp hạt nhân Yongbyon – vốn là một vấn đề rất quan trọng đối với chúng ta khi tìm cách giải giáp toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên". Có tên gọi đầy đủ là Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, tổ hợp này được coi là trái tim cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh (ảnh: AP)
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong các cuộc đàm phán cấp quan chức chuẩn bị cho cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại Hà Nội, Triều Tiên đề nghị giải giáp tổ hợp Yongbyon đổi lấy dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ông Wit cảnh báo, Triều Tiên không sẵn lòng đóng băng chương trình hạt nhân đồng nghĩa với việc "nhiều tỷ USD đến từ dỡ bỏ cấm vận sẽ đặt Mỹ vào tình huống tài trợ cho việc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên".
"Chúng ta không đạt được thỏa thuận bởi vì ngay từ ban đầu đã không có thỏa thuận ở đó", cựu quan chức nhấn mạnh, đồng thời cho biết, vẫn còn cơ hội cho hai bên "tiếp tục đàm phán".
Trong khi đó, hôm thứ Năm (28/2), chuyên gia về an ninh Scott Snyder nhìn nhận, kết quả của thượng đỉnh Hà Nội thật ra "đã dẫn tới thêm minh bạch cho khoảng cách" vẫn đang tồn tại giữa Bình Nhưỡng và Washington trong cả thiết lập niềm tin và những gì hai bên hiểu về phạm vi của phi hạt nhân hóa và phạm vi của dỡ bỏ cấm vận.
Chúng ta không đạt được thỏa thuận bởi vì ngay từ ban đầu đã không có thỏa thuận ở đó.
Joel Wit
Hiện là giám đốc của chương trình chính sách Mỹ - Triều Tiên của Hội đồng Đối ngoại, theo ông Snyder, việc không đạt được thỏa thuận chung tạo ra một nền tảng mạnh mẽ hơn cho những liên lạc giữa hai bên trong tương lai – nhiều hơn so với những gì từng gọi là "thành công" tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore.
Kết quả tại Hà Nội đem tới "một cơ hội cho Mỹ và Triều Tiên để có thể hiểu hơn về những gì mỗi bên mong muốn", ông Snyder nói. Ông cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán cấp quan chức giữa hai nước sẽ "sớm được nối lại".
Vài trò của Stephen Biegun trong đàm phán cấp lãnh đạo tại Hà Nội
Sự vắng mặt của Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun – người từng chủ trì các cuộc thảo luận cấp thấp hơn giữa Mỹ và Triều Tiên tiền thượng đỉnh, trong thời gian hội nghị chính thức, đã làm dấy lên những nghi ngờ về tính thống nhất giữa quá trình thương thảo cấp quan chức với cấp lãnh đạo.
"Rõ ràng một vài cơ cấu của các cuộc gặp mặt… đáng lẽ ra đã có thể được tổ chức tốt hơn để nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò đại diện đặc biệt", Snyder đánh giá. Tuy vậy, cũng theo ông, "Triều Tiên ít nhất đã có được kinh nghiệm chấp nhận và tương tác với người đại diện đặc biệt" từng công du tới Bình Nhưỡng vào đầu tháng Hai, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán vừa diễn ra tại Việt Nam.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 27 – 28/2. Trái với một số dự đoán ban đầu, hội nghị kết thúc mà không đi tới được một thỏa thuận chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump cho biết Bình Nhưỡng yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt – điều mà ông không thể chấp nhận. Trong khi đó, trong một cuộc họp báo vào nửa đêm ngày 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho lại phủ nhận điều trên và nói, Washington muốn nhiều hơn viên giải giáp tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên và Bình Nhưỡng chỉ đề nghị dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt.