• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khuyến khích trẻ em lên tiếng khi bị xâm hại

Văn hoá 12/12/2022 10:26

(Tổ Quốc) - Bạo lực và xâm hại trẻ em gây tổn thương nặng nề về cả thể chất và tinh thần đối với trẻ em. Phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Những con số nhức nhối

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020, trên toàn quốc phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị xâm hại về tình dục; 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân và gia đình của nạn nhân.

Năm 2021, xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020, tuy nhiên một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội.

Khuyến khích trẻ em lên tiếng khi bị xâm hại - Ảnh 1.

Khuyến khích trẻ em lên tiếng khi bị xâm hại (ảnh minh họa)

Theo Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, trong 11 tháng đầu năm 2022, Tổng đài đã tiếp nhận 356.881 cuộc gọi đến, 9.301 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo; trong đó có 26.412 cuộc gọi tư vấn và 1.482 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em. Trong 1.482 ca can thiệp cho trẻ em có 839 ca trẻ em bị bạo lực (chiếm 56,6%); 158 ca trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 10,7%)... Đây là những con số vô cùng nhức nhối và đau lòng.

Tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng diễn tiến phức tạp, điều này chứng tỏ gia đình và cộng đồng còn thiếu cảnh giác, lơ là trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ. Điều đáng buồn là có không ít trường hợp, trẻ bị xâm hại bởi chính cha/mẹ mình.

Trong khi đó, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em ở một số nơi bị bỏ qua hoặc chậm xử lý. Kết quả nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy, trẻ em chịu hoặc chứng kiến bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần và nhân cách như những trẻ bình thường.

Mặt khác, việc tố cáo, trình báo các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em còn chậm, nhất là các vụ liên quan đến xâm hại tình dục, bởi đây là vấn đề có tính nhạy cảm nên người thân thường muốn giữ kín, không tố giác. Bên cạnh đó, hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng; tâm lý trẻ em còn non trẻ, nhận biết chưa đầy đủ dễ dẫn đến hoang mang, lời khai không thống nhất, thường theo sự hướng dẫn của bố mẹ.

Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Thời gian qua, vấn đề xâm hại trẻ em diễn biến rất nghiêm trọng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đạo đức của một bộ phận người dân xuống cấp nghiêm trọng. Thủ phạm gây ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em có thể là người thân, họ hàng, thầy giáo... Một số gia đình chưa thực sự quan tâm, chăm sóc con em mình; Do ảnh hưởng yếu tố bệnh lý của thủ phạm, thường tìm đến trẻ em để xâm hại. Bà Nga nhấn mạnh: Trẻ em trai và trẻ em gái đều là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục. Khi các vụ việc được đưa ra truy tố, xét xử thì cũng có nhiều trẻ em nam là nạn nhân. Chỉ có điều trẻ em trai hay giấu kín.

Theo bà Nga, tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có một số thống kê riêng lẻ chứ chưa có bất cứ nghiên cứu, báo cáo đầy đủ nào về tình trạng xâm hại tình dục ở bé trai. Xã hội và không ít phụ huynh vẫn chưa coi đó là một nguy cơ thực sự, do đó việc bảo vệ các bé trai chưa được quan tâm. Khi không hiểu biết thì cha mẹ sẽ không lường trước được nguy cơ và tìm cách phòng tránh cho con. Vì vậy, theo bà Nga bố mẹ cần dạy cả con trai lẫn con gái cách tự bảo vệ cơ thể và phòng chống bị xâm hại tình dục như: Dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể của mình, biết trân trọng bản thân, không cho phép bất cứ ai đụng chạm vào vùng kín của mình, trừ khi bố mẹ vệ sinh hay đi khám bác sĩ; Luôn tôn trọng ý kiến của trẻ và dạy con tin vào trực giác của mình: Không tiếp xúc với người lạ, bỏ đi khi cảm thấy không an toàn, khó chịu và sau đó kể lại cho bố mẹ biết.

Khuyến khích các em lên tiếng

Để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình, trước hết phải tăng cường quản lý Nhà nước, các bộ: Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL cùng các đơn vị liên quan cần phối hợp liên ngành để triển khai một cách có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần phải tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn các em nhỏ có ý thức tự phòng vệ ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường. Thế nên, ngoài việc tham gia nhiều vụ án bảo vệ quyền trẻ em thành công, Chi hội Luật sư còn thực hiện các phiên tòa giả định tại các trường THCS, THPT về bạo lực học đường, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em,… giúp các em hạn chế, phòng tránh tệ nạn xã hội trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Tại phiên tòa giả định, các em được tiếp cận giống như một mô hình phiên tòa thật thu nhỏ mang tính giáo dục và hiệu quả tích cực, với mục đích nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên trong việc tuân thủ pháp luật.

Cần tăng cường giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và trách nhiệm bảo vệ trẻ em của những người chăm sóc trẻ, tăng cường giáo dục đạo đức, bổn phận của trẻ em theo quy định Luật Trẻ em; tăng cường truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tới người dân, đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ. Khuyến khích các bậc phụ huynh giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực thay cho các biện pháp trừng phạt. Đồng thời, cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại, khuyến khích các em lên tiếng, cung cấp thông tin, tố giác các hành vi bạo lực học, xâm hại trẻ em.

Cần tăng cường công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học bằng cách nhân rộng mô hình phòng tư vấn tâm lý/phòng công tác xã hội trong trường học; mở rộng mô hình kết nối giữa trường học với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các khoa và chuyên gia tâm lý của các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ, can thiệp, chuyển tuyến dịch vụ kịp thời các trường hợp có nguy cơ hoặc bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Khi bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra, các cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần lên tiếng mạnh mẽ và phối hợp cùng gia đình, địa phương, các cơ quan điều tra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em trong quá trình tố tụng./.

Cha mẹ và trẻ cần ghi nhớ số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – đây là tổng đài tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho trẻ em; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, những địa chỉ sau cũng trợ giúp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em:

Đường dây nóng: Cảnh sát 113. Trung tâm Công tác xã hội trẻ em các tỉnh / thành phố. Phòng trẻ em Trực thuộc các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tình / thành phố. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận/huyện. Công an các tỉnh địa phương gần nhất. Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ